Ve sầu hại cà phê đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng của vườn cây. Vậy làm cách nào để phòng trừ ve sầu hiệu quả, an toàn. AT xin chia sẻ đến bà con một vài phương pháp phòng ngừa và tiêu diệt triệt để loài ve sầu gây hại này, cùng với những thông tin liên quan trong vấn đề canh tác cây cà phê.
Contents
Tìm hiểu về loài ve sầu hại cà phê
Ve sầu hại cà phê có tên khoa học là Macrotristria dorsalis. Chúng thường sinh sản vào đầu đến giữa mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên với khả năng đẻ trứng lên đến con số vài trăm trứng ở mỗi con cái.
Đặc điểm hình dáng và vòng đời của ve sầu hại cà phê
Ve sầu trên cây cà phê khi trưởng thành có chiều dài từ 2 đến 4cm với màu đen hoặc nâu sẫm. Con cái đẻ trứng bằng cách dùng ống đẻ trứng để rạch những rãnh nhỏ sâu ở vỏ cây và đẻ trứng trong đó.
Sau khi trứng ve sầu nở thành ấu trùng, rơi xuống đất thì ấu trùng sẽ đào hang chui xuống, tìm rễ cây để thực hiện việc chích hút nhựa. Thời gian pha ấu trùng sẽ kéo dài từ 1 đến 2 năm. Khi chuẩn bị vũ hóa ấu trùng sẽ chui lên mặt đất, leo lên cây để lột xác thành ve sầu trưởng thành và tiếp tục chu kỳ sinh sản tiếp theo.
Hậu quả do ve sầu hại cà phê gây ra
Ở giai đoạn ấu trùng chính là giai đoạn mà ve sầu gây hại ở cây cà phê. Chúng đào hang trong đất, bám và chích hút dinh dưỡng của cây. Ấu trùng ve sầu còn làm đứt rễ tơ, rễ dẫn của cây cà phê gây tổn thương bộ rễ.
Khi bị ve sầu tấn công, cây cà phê bị vàng lá, rụng trái. Cây cà phê bị cằn cọc, lá úa vàng, các cành dinh dưỡng dần phát triển kém, cây cho ra chồi ngọn và lá rất ít, nghiêm trọng nhất là gây chết cây.
Những rễ tơ ở độ sâu từ 0 đến 15cm sẽ phát triển chậm. Biểu hiện ở một số rễ bị đen, thối từ đầu rễ vào nguyên nhân là do một số loài nấm, côn trùng như: sâu đục thân hại cà phê, nhện đỏ, rệp,… chúng sẽ tấn công vào những nơi mà rễ bị ấu trùng ve sầu gây hại, khiến cây ngày càng yếu ớt hơn và chết đi. Ở trên thân cành và lá cà phê có nhiều xác ấu trùng đã vũ hóa.
Sự phát triển của ve sầu có liên quan với việc sử dụng các loại thuốc hóa học quá mức, dễ khiến ve sầu bùng phát thành dịch. Bởi vì thuốc hóa học đã tiêu diệt các loài thiên địch của ve sầu như nhện, kiến, ong,…
Phương pháp canh tác phòng trừ ve sầu hại cà phê
Đối với ve sầu hại ở cây cà phê, bà con cần sớm áp dụng kỹ thuật canh tác phù hợp để bảo vệ vườn nhà cụ thể như sau:
- Chăm sóc cho cà phê đúng kỹ thuật, dọn vườn thông thoáng, hạn chế cỏ dại xung quanh để cây sinh trưởng khỏe mạnh, bộ rễ phát triển tốt.
- Chú ý bảo vệ các loài thiên địch như ong, nhện, kiến ăn mồi, bọ rùa…
- Lựa chọn những giống cà phê có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao, sinh trưởng mạnh để vườn cây có đủ sức chống chịu sâu bệnh
- Thực hiện tạo tán, tỉa cành thường xuyên để tạo sự thông thoáng nhằm hạn chế ve sầu trưởng thành đẻ trứng.
- Sau khi thu hoạch hàng năm, thực hiện cào bồn tạo môi trường sống bất lợi cho ấu trùng ve sầu ở tuổi 1 – 2.
- Bón phân cân đối hợp lý với liều lượng phù hợp cho cây cà phê phát triển thuận lợi.
- Đối với ve sầu, nhiều người trồng cà phê cũng sử dụng thuốc trừ sâu để phòng trừ nhanh chóng. Tuy nhiên hiệu quả không cao, gây tốn kém tiền và thời gian, công sức.
Một số cách phòng ngừa và xua đuổi ve sầu hại cà phê hiệu quả
Vườn cà phê bị loài ve sầu tấn công, gây hại nghiêm trọng đến bộ rễ, làm cho cây hấp thụ kém dính dưỡng và chúng chích hút hết dưỡng chất của cây. AT xin chia sẻ đến với bà con một vài phương pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa và xua đuổi loài côn trùng gây hại này tránh xa khỏi vườn cà phê.
Sử dụng nilon bao phủ cây cà phê
Sử dụng nilon để phủ kín dưới gốc cà phê để phòng trừ ve sầu trưởng thành bò lên vũ hóa. Vào thời điểm ve sầu chui từ dưới đất lên chúng sẽ bị vướng vào nilon và chết. Biện pháp này còn giúp ngăn chặn sự xâm nhập, quay trở lại của ve sầu non khi trứng của chúng trên cây nở rơi xuống dưới đất.
Sử dụng vôi bột xua đuổi ve sầu ở cây cà phê
Dùng dung dịch vôi bột 2% (vôi bột hòa cùng nước lã) và tưới với liều lượng là 5 lít mỗi gốc cà phê vào giai đoạn tháng 7 đến tháng 8 cho thấy có từ 40% ấu trùng ve sầu đã ngoi lên mặt đất từ 5 đến 10 phút.
Bà con áp dụng tưới 10 gốc cà phê liên tiếp rồi quay lại bắt ve sầu làm thức ăn cho gà, hoặc thả gà vịt để chúng ăn ve sầu. Cần bắt ấu trùng ve sầu khi chúng chui lên được 5 – 10 phút vì chúng sẽ chui xuống đất và tự lấp miệng hang lại. Vì vôi bột không giết ấu trùng, chúng chỉ chui lên khi bị tưới nước vôi.
Bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về cách phòng trị ve sầu hại cà phê giúp bà con bảo vệ vườn nhà hiệu quả. Đọc thêm các bài viết khác từ trang web của Công ty TNHH Công Nghệ Sạch Nông Nghiệp, để không bỏ lỡ bất cứ các tin tức gì về thị trường cũng như các loại bệnh thường gặp ở cây cà phê. Ngoài ra, các bài viết cũng giúp bà con có thêm kinh nghiệm cũng như kỹ thuật để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, giúp nâng cao sản lượng nông sản và hiệu quả kinh tế.