Cách trồng dưa lưới tại nhà đang được nhiều hộ gia đình có sân thượng hoặc khu vườn tìm hiểu và thực hiện. Việc trồng cây dưa lưới ngay tại nhà giúp ngôi nhà mát mẻ và có thể tự tay hái những trái dưa lưới đầu tiên do chính mình trồng cũng là một trải nghiệm thú vị. Hãy cùng Phanthuocvisinh AT tìm hiểu cách trồng dưa lưới đúng kỹ thuật thông qua bài viết dưới đây nhé!
Contents
Giới thiệu về cách trồng dưa lưới tại nhà
Cách trồng dưa lưới tại nhà là việc hoàn toàn có thể thực hiện và trái ra nhiều, đạt chất lượng nếu chăm sóc đúng kỹ thuật. Dưa lưới đang là một loại trái cây cho giá trị kinh tế cao và được nhiều người lựa chọn vì hương vị thơm ngon cùng lượng lớn dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
Đặc điểm hình dáng của cây dưa lưới trồng tại nhà
Dưa lưới là một loại cây thân thảo hằng năm và có thân mọc bò dưới đất. Thân cây có nhiều lông tơ mỏng, trắng bao phủ. Cây có nhiều mắt, mỗi mắt có một lá, chồi và tua cuốn riêng biệt. Lá của cây có hình xoan và có các màu xanh từ đậm đến nhạt.
Hoa cây dưa lưới có màu vàng, thường mọc thành chùm đơn ở nách cây, có cuống ngắn. Hoa của cây có năm cánh nhỏ. Thông thường, hoa cây dưa lưới thường thụ phấn nhờ vào côn trùng.
Quả dưa lưới có hình dạng phong phú, tùy thuộc vào điều kiện và không gian phát triển. Quả có hình cầu, thuôn và vỏ có các đường lưới khá đặc biệt. Tùy thuộc vào giống dưa lưới mà trong ruột trái có các màu khác nhau. Ruột trái dưa lưới có màu vàng cam, vàng hoặc xanh.
Bên trong trái dưa lưới có rất nhiều hạt. Các hạt khá dẹt, màu trắng hoặc màu kem.
Vị trí thích hợp trồng cây dưa lưới tại nhà
Đây là một loại cây trồng ưa sáng và có khả năng chịu hạn rất tốt. Do đó, bà con cần phải trồng cây ở nơi có nhiều ánh sáng, đảm bảo cây được tắm nắng từ 8-12 giờ. Khi trồng cây ở nơi có nhiều ánh sáng sẽ giúp cây ra nhiều hoa, tăng tỷ lệ đậu trái cho cây và giúp cây trồng có năng suất cao.
Nhiệt độ tốt nhất để cây dưa lưới phát triển là khoảng từ 18-25 độ C. Cây dưa lưới có thể chịu đựng lên đến 40 độ C trong nhiều ngày liền mà không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.
Tuy nhiên, nếu trồng cây ở nơi ít nắng hoặc nhiệt độ thấp có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, khiến cây sinh trưởng chậm và năng suất cây trồng thấp. Nên duy trì nhiệt độ cho cây, đặc biệt trong thời kỳ cây đang nuôi trái. Nếu độ ẩm và nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể khiến trái phát triển kém, khả năng dị hình khá cao.
Thời điểm thích hợp trồng cây dưa lưới tại nhà
Cây dưa lưới thích hợp được trồng ở nơi có điều kiện khí hậu ấm áp, khô ráo và đầy đủ ánh sáng. Do đó, cây có thể được trồng ở cả ba miền tại nước ta. Tuy nhiên, đối với miền Bắc và Trung, bà con nên tránh trồng cây vào thời điểm mưa bão, rét lạnh.
Ở miền Bắc có thể trồng cây dưa lưới vào tháng 2-3, cho thu hoạch vào tháng 4-5 hoặc trồng cây vào tháng 8-9 và thu hoạch vào tháng 11-12. Riêng đối với miền Nam thì có thể trồng cây quanh năm.
Chuẩn bị gì trước khi thực hiện cách trồng dưa lưới tại nhà
Bà con cần chuẩn bị một số vật dụng được trình bày dưới đây để quá trình trồng cây dưa lưới được diễn ra nhanh chóng, đúng kỹ thuật và hiệu quả hơn.
Chọn giống cây dưa lưới trồng tại nhà
Hiện nay có nhiều loại giống cây dưa lưới khác nhau và cho ra vị khác nhau. Do đó, tùy thuộc vào sở thích cá nhân, bà con có thể lựa chọn hạt giống phù hợp. Tuy nhiên, khi mua hạt giống, nên lựa hạt đảm bảo các tiêu chí sau:
Hạt giống đạt chất lượng, có khả năng kháng bệnh tốt và phù hợp với điều kiện thời tiết tại nơi trồng.
Nên lựa chọn hạt F1 sẽ cho trái có chất lượng cao, đạt chuẩn. Ngoài ra, khả năng nảy mầm của hạt này cao hơn các loại khác.
Lựa hạt không bị sâu bệnh, không lép, giúp tăng khả năng nảy mầm, sinh trưởng và phát triển của cây.
Xử lý đất trồng cây dưa lưới tại nhà
Đất trồng cây dưa lưới nên là đất có khả năng thoát nước tốt vì cây dưa lưới là một loại cây ưa nắng, không ưa ẩm và bộ rễ dễ bị úng, thối. Do đó, bà con có thể trộn hỗn hợp đất cho cây dưa lưới gồm đất thịt, xơ dừa, vỏ trấu, phân trùn quế và phân ủ hoai mục. Hỗn hợp đất này cung cấp lượng lớn dinh dưỡng cho cây trồng và khả năng thoát nước khá tốt.
Ngoài ra, bà con cần phải chuẩn bị giá thể để ươm trồng cây dưa lưới gồm mụn dừa, đất thịt, trấu hun, phân trùn quế. Hỗn hợp giá thể này giàu dinh dưỡng, sạch mầm bệnh và thoát nước tốt giúp hạt nhanh chóng nảy mầm, phát triển thành cây con khỏe mạnh.
Chuẩn bị chậu trồng cây dưa lưới tại nhà
Đối với các hộ gia đình trồng cây dưa lưới trên sân thượng, bà con có thể trồng cây dưa lưới trong các thùng xốp lớn, có dung tích khoảng 40l là thích hợp nhất hoặc các chậu cây to, có lỗ thoát nước.
Mỗi thùng xốp chỉ nên trồng từ 1-2 cây, không nên trồng với mật độ quá dày tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và gây hại cho cây. Ngoài ra, bà con nên tạo các lỗ thoát nước ở thùng giúp tăng khả năng thoát nước cho cây trồng.
Đối với các hộ gia đình trồng trực tiếp cây dưa lưới xuống dưới đất, bà con cần phải đào hố trồng trước và rắc vôi vào trong hố đất trước khi trồng 1 tuần để khử khuẩn và diệt các nấm bệnh trong đất có thể gây hại cho cây dưa lưới.
Làm giàn trồng cây dưa lưới tại nhà
Bà con có thể tạo giàn để trồng cây dưa lưới vì đây là một loại cây trồng thân leo, nếu để cây bò dưới đất, cả thân cây và trái có thể bị các loại côn trùng, sâu bệnh trong đất gây hại, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cây trồng.
Để tạo giàn cho cây dưa lưới, bà con tận dụng các cọc, cây, giàn sắt ở nhà để tạo cho cây leo lên. Chỉ cần đảm bảo độ chắc chắn của giàn leo là có thể cho cây dưa lưới leo lên và phát triển.
Hướng dẫn cách trồng dưa lưới tại nhà trong chậu đúng kỹ thuật
Kỹ thuật trồng dưa lưới bằng hạt đúng và chuẩn chuyên gia cần trải qua hai bước, thứ nhất là ươm hạt giống và thứ hai là trồng cây con vào trong chậu hoặc xuống khu vực đã chọn.
Ươm hạt dưa lưới giống nảy mầm
Bà con ngâm hạt dưa lưới vào trong nước ấm khoảng 4-6 tiếng. Sau đó, bà con vớt hạt dưa lưới ra khăn vải ẩm có khả năng giữ ẩm tốt để ủ hạt, giúp kích thích hạt nhanh chóng nảy mầm hơn.
Ủ hạt trong vòng 24 tiếng, khi hạt nứt nanh thì bà con tiến hành đem hạt đi ươm. Phủ một lớp giá thể mỏng ở trong khay ươm, sau đó, cho hạt vào và phủ thêm một lớp nữa lên trên. Đặt khay ươm ở nơi râm mát và tưới ẩm giá thể.
Sau khoảng 2 ngày thì hạt bắt đầu nảy mầm và khoảng 10 ngày, khi cây cho 2 lá thật thì bà con đem cây đi trồng.
Lưu ý: Trong suốt quá trình ươm hạt dưa lưới, bà con chỉ cần tưới lượng nước vừa đủ, không tưới quá nhiều khiến cho hạt bị ngập úng và không thể nảy mầm.
Quy trình trồng cây dưa lưới tại nhà bằng chậu
Bà con tiến hành trồng cây vào trong chậu đất đã chuẩn bị hoặc trồng trực tiếp cây dưa lưới xuống dưới hố đất đã trồng. Nhấc nhẹ cây con ra khỏi khay ươm và đặt bầu cây vào trong hố đất, sau đó, vùi kín bầu đất và nén chặt gốc.
Tiến hành tưới ẩm đất khu vực trồng cây trong thời gian đầu, giúp cây nhanh chóng bén rễ và phát triển. Tuy nhiên, bà con nên tiến hành trồng cây dưa lưới vào buổi chiều mát, giúp cây không bị tốn nhiều sức.
Phủ một lớp rơm nhằm giữ ẩm cho đất và cây con, sau đó, tạo bóng râm cho cây trong vòng 1 tuần.
Chăm sóc cây dưa lưới trồng tại nhà bằng chậu nhanh lớn, sai quả
Sau khi trồng cây dưa lưới vào trong chậu thành công, bà con cần phải đảm bảo kỹ thuật chăm sóc giúp cây sinh trưởng tốt, phát triển mạnh và cho ra trái đạt năng suất cao.
Tưới nước và cắt tỉa cây dưa lưới trồng tại nhà bằng chậu
Khi trồng cây con, cần tưới nước thường xuyên và giữ ẩm cho đất, giúp cây phát triển mạnh. Đảm bảo đủ lượng ánh sáng cho cây quang hợp, thời gian nắng khoảng từ 8-13 giờ. Nếu thời tiết quá nắng nóng có thể tăng lượng nước tưới cho cây và ngược lại. Tuy nhiên, không nên tưới quá nhiều nước khiến cây trồng bị ngập úng, thối rễ và chết cây.
Cây dưa lưới có từ 5-6 lá thật thì cần phải làm giàn cho cây. Bà con có thể sử dụng cọc hoặc dây nilon buộc nhẹ cây con vào trong giàn lưới, điều chỉnh cho cây leo lên. Khi cây ra trái lớn có thể sử dụng lưới đan để treo quả, tránh để quả nặng làm gãy thân cây.
Thời điểm cây dưa lưới có từ 5-6 lá thật, cần phải cắt bỏ các nhánh lẻ của cây và chỉ giữ lại nhánh lẻ khi cây trồng đã có từ 8 đến 10 lá thật. Khi cây lớn có được 22-25 lá thật thì cắt bớt ngọn để cây tập trung nuôi quả.
Bón phân cho cây dưa lưới trồng tại nhà bằng chậu
Bà con tiến hành bón phân NPK cho cây dưa lưới giúp cây phát triển mạnh, cho trái đạt năng suất và chất lượng hiệu quả. Có thể lựa chọn phân hữu cơ hoặc phun trùn quế để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, việc sử dụng vỏ chuối, trứng, sữa, đạm cá, nước vo gạo… cũng giúp cây có thêm dinh dưỡng và tăng độ ngọt tự nhiên cho trái.
Thụ phấn và treo quả dưa lưới trồng tại nhà
Bà con khi thấy hoa cái chuyển vàng là hoa sắp nở, tiến hành thụ phấn cho cây để tăng tỷ lệ đậu trái. Thời gian thích hợp để thụ phấn cho hoa là khoảng 6-8 giờ sáng. Bà con sử dụng chổi sơn hoặc bông tăm quét phấn từ nhị đực sang nhụy cái sẽ tăng tỷ lệ thụ phấn.
Sau từ 5-7 ngày thụ phấn, nếu thấy hoa cái bắt đầu phình to ra thì quả đã đậu. Có quá nhiều hoa đậu quả thì bà con có thể tiến hành ngắt bớt để cây tập trung dinh dưỡng nuôi từ 3-5 trái. Tránh để cây nuôi quá nhiều gây giảm năng suất và chất lượng quả.
Khi quả lớn dần, trọng lượng tăng thì sử dụng dây treo quả vào trong giàn để tránh tình trạng quả quá nặng làm đứt thân cây. Đồng thời, cần bọc quả lại tránh để ruồi vàng chích và gây hại.
Cách trồng dưa lưới tại nhà đã được CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ SẠCH NÔNG NGHIỆP trình bày trong bài viết trên. Cây dưa lưới sẽ cho trái trong khoảng từ 75-90 ngày tùy vào giống trồng. Khi vừa hái dưa lưới, bà con đặt trái ở nơi thoáng mát trong nhà thì trái sẽ ngọt và ngon hơn. Chúc bà con sẽ trồng được thật nhiều trái dưa lưới ngon và đạt chất lượng ngay tại nhà của mình.