Ở Lai Châu người Mông đã và đang áp dụng kỹ thuật trồng chè VietGap. Quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các mô hình chè VietGAP đang được các nhà quản lý, người tiêu dùng và người trồng chè đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, quá trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Tổng diện tích chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện ước đạt 4.976 ha, sản lượng chè búp tươi 21.200 tấn, là sinh kế của khoảng 40.000 người, chủ yếu là dân tộc thiểu số Thái, Mông, Dao, Hà Nhì…
Những nương chè ở Bản Cư Nhà La, Tả Chải, Trung Chải xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu mùa này đang vào vụ thu hoạch.
Vui tay hái từng búp chè, chị Phê Thị Sổ, dân tộc Mông ở bản Trung Chải tâm sự “Nhà mình có vụ được 8 tạ, có vụ được 1 tấn. Trồng chè cũng dễ. Một năm thu được 5-6 lứa. Thích làm chè hơn vì làm chè thu nhiều vụ hơn. Chỉ hái xong là đem bán vẫn có công ty mua. Hái lúc nào thì bán được lúc đấy, không như lúa với ngô mình thu được phải đi tìm người mua, còn làm chè thì không phải đi tìm người mua nữa, có công ty lên mua rồi mà”.
Ở Lai Châu hiện nay có 10 doanh nghiệp tham gia ký kết cùng người nông dân phát triển chè sạch, sản phẩm đang làm thay đổi đời sống và tập quán canh tác của bà con dân tộc thiểu số ở các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên…
Là tỉnh biên giới, địa hình đồi núi, diện tích rộng, người thưa, rất khó khăn trong phát triển kinh tế. Bản thân cây chè và sản phẩm chè của Lai Châu có thời gian dài trôi nổi, bấp bênh, nhiều nơi bà con chặt bỏ hoặc bỏ bê, cỏ mọc cao hơn chè. Đó là câu chuyện của những năm trước năm 2010.
Tuy nhiên, cây chè đã phát triển ở Lai Châu từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Bà con đã quen với canh tác, chế biến chè. Khi tái lập tỉnh, xác định lợi thế của cây chè, UBND tỉnh Lai Châu đã kiên định và có cái nhìn dài hơi, khuyến khích các doanh nghiệp cùng chung tay khôi phục và phát triển cây chè: Thay đổi tập quán canh tác, tư duy làm chè cũ chuyển hẳn sang phát triển chè sạch. Nhiều giống mới cũng được đưa vào trồng và phát triển tốt như Kim Tuyên, Ô Long, Tuyết Shan.
Từ những chính sách khuyến khích và sự đầu tư của nhà nước, sự vào cuộc của các doanh nghiệp đã khôi phục lòng tin của người nông dân Lai Châu với cây chè. Vài năm trở lại đây, đời sống người dân các dân tộc ở Lai Châu được nâng lên, một phần nhờ cây chè.
Nhờ việc không phải bỏ kinh phí đầu tư vật tư nông nghiệp và thị trường đầu ra, giá cả sản phẩm chè búp tươi ổn định, với 0,3 ha chè của gia đình, sau khi được ký hợp đồng bán chè cho Công ty cổ phần chè Lai Châu, hàng năm, gia đình chị Phê Thị Sổ (bản Trung Chải, xã Sùng Phài, Tam Đường, Lai Châu) bán cho công ty gần 1 tấn chè búp tươi, sau khi trừ mọi chi phí cho thu nhập từ 50 triệu đến 60 triệu đồng.
Người Mông xưa nay “đã tin thì theo tới cùng”. Tuy nhiên, trong việc trồng chè, để người dân “nghe theo” thì các doanh nghiệp ở Lai Châu đã luôn giữ đúng hợp đồng ký kết. Với Công ty Cổ phần chè Lai Châu, doanh nghiệp này đã cử cán bộ kỹ thuật lên tận các bản, vào từng gia đình hướng dẫn lại cho bà con cách chăm bón, thu hoạch, cách nhận biết từng loại phân bón, thời điểm phun thuốc trừ sâu theo phương pháp mới theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên căn nhà gỗ chắc chắn, ông Trang A Páo, Bản Trung Chải tâm sự: “Bây giờ tôi cũng gần 60 tuổi rồi nhưng vẫn chịu khó làm chè. Làm rồi còn dạy các con, các cháu làm cho đúng. Nhà nước đã dạy thì mình phải làm theo như thế”.
Trung Chải gồm 46 hộ, đều có nương chè và đều có hợp đồng với doanh nghiệp thu mua. “Bà con bây giờ phát triển chủ yếu là cây chè. Phân bón và thuốc phun chè cũng do công ty cấp cho. Cuộc sống bà con bây giờ chủ yếu dựa vào cây chè thôi”. Ông Sùng A Chía, Trưởng bản Trung Chải cho biết.
Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh Lai Châu đã xác định một trong những hướng phát triển kinh tế chủ đạo là phát triển cây chè. Ngoài diện tích hiện có, tỉnh đang đưa cây chè lên các xã đặc biệt khó khăn như xã Sà Dề Phìn (Sìn Hồ), một số xã của huyện Nậm Nhùn. Song song với phát triển diện tích cây chè, tỉnh Lai Châu cũng có chính sách hỗ trợ phân bón, hỗ trợ hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người trồng chè, từng bước giúp người nông dân, người dân tộc thiểu số ở tỉnh xóa đói giảm nghèo bền vững./.